NGÂN HÀNG ĐẦU TIÊN HOẠT ĐỘNG Ở VIỆT NAM VÀ NGÂN HÀNG ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT LÀ GÌ?
Ngân hàng Đông Dương (Banque de I’Indochine, viết tắt là BIC) được thành lập ngày 21/01/1875, trụ sở chính đặt ở Paris, Pháp và một chi nhánh ở Sài Gòn. Năm 1885, mở thêm chi nhánh ở Trung kì và Bắc kì. Năm 1887, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, BIC mở chi nhánh hoạt động ở khắp Đông Dương và mở thêm chi nhánh ở Ấn Độ. Năm 1898, mở rộng phạm vi hoạt động sang Trung Quốc và Thái Lan. Bộ Tài chính Pháp tán thành chủ trương trên và tăng vốn pháp định của ngân hàng lên 24 triệu franc (đơn vị tiền tệ của Pháp). Theo chính sách đó năm 1899, Ngân hàng Đông Dương mở chi nhánh đầu tiên ở Hong Kong, năm sau mở tiếp ở Thượng Hải và Hán Khẩu, Quảng Châu (1902), ở Thiên Tân và Bắc Kinh (1907) và Mông Tự(1913).Chính quyền Pháp có ý định xây dựng Ngân hàng Đông Dương thành một ngân hàng phát hành, cho vay và chiết khấu có đặc quyền trong 20 năm, với một đặc quyền hơn hẳn các ngân hàng thuộc địa khác: quyền phát hành đồng bạc Đông Dương.
Ngân hàng Đông Dương tham gia một số hoạt động quan trọng ở Trung Quốc trong đó có việc xuất ngân cho vay khoản tiền xây dựng đường sắt Quảng Châu – Hán Khẩu.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Ngân hàng Đông Dương đã trở thành một công cụ tài chính mạnh của Pháp với khoảng 20 chi nhánh, trong đó có sáu ở Đông Dương và sáu ở Trung Quốc, số còn lại ở các thuộc địa Pháp tại Châu Á.
Sau năm 1953, Ngân hàng Đông Dương ở Việt Nam bị giải thể. Nhiệm vụ phát hành giấy bạc được chuyển cho Viện Phát hành Quốc gia Việt, Miến, Lào (Institut d'Emission des Etats du Cambodge, du Laos et du Viet-Nam) kể từ năm 1951 rồi giao lại cho Ngân hàng quốc gia Việt Nam, tức ngân hàng trung ương của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955. Phần kinh doanh thì chia cho Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (thành lập năm 1956) và hậu thân của Ngân hàng Đông Dương là Ngân hàng Pháp Á.
Tuy vắng mặt ở Việt Nam sau năm 1953, Ngân hàng Đông Dương tái hoạt động vào năm 1958 ở những nơi khác ở Á Châu. Năm 1975 thì nhập với Banque de Suez et de L'Union des Mines với tên mới: Banque Indosuez và đến năm 2001 đến nay thì nhập vào Alliance Banking Group, hoạt động chính ở Malaysia.
Ngân hàng đầu tiên của người Việt
Cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 hầu hết các công ty, tổ chức lớn trong nền kinh tế Việt Nam đều là của người Pháp và người Hoa. Do vậy, vị trí của người Việt trong chính quyền kém hơn hẳn cộng đồng Pháp, Ấn, Hoa vì do lâu nay chỉ làm khách hàng nhỏ của họ. Trong xã hội, sức mạnh kinh tế trong xã hội của người Việt tập trung vào địa chủ, tư sản..Họ mới có ảnh hưởng chính trị ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Những doanh nhân Việt Nam đầu tiên bước vào thương trường ấy đã vận động một phong trào làm ăn của người Việt. Phong trào đó gọi là Minh Tân, khởi đầu từ đầu thế kỷ 20. Từ phong trào này, bên cạnh các thương hiệu hàng hóa của người Việt xuất hiện, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của người Pháp, người Hoa, người Ấn trên thị trường.Hơn nữa, họ còn xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Công ty tín dụng An Nam, ngân hàng đầu tiên của người Việt, với hai cổ đông lớn là cụ Lê Văn Gồng, cụTrần Trinh Trạch (tức Hội đồng Trạch - cha công tử Bạc Liêu) được thành lập. Ngày 8/11/1926, một số nhà tư sản, địa chủ nhà báo và trí thức đã họp tại trụ sở của Hội kỹ nghệ và doanh nhân An Nam tại số 76 rue La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng Sài Gòn) để thành lập Công ty Tín dụng An Nam (ngân hàng đầu tiên của người Việt). Tại buổi họp ban đầu, điều lệ của công ty do cụ Lê Văn Gồng soạn thảo đã xem xét, bàn luận và chấp thuận. Trong số những người sáng lập có các cụ: Kỹ sư Lưu Văn Lang, nghị viên hội đồng thành phố Nguyễn Tấn Văn, chủ tiệm “Au Tisseur” Nguyễn Khắc Trương, vận động tiếp thị cho công ty (promoteur de la sociéte) Nguyễn Văn Gồng, chủ “Garage Cental” Nguyễn Văn Kiêu, nghiệp chủ Nguyễn Văn Thơm, doanh nhân Cần Thơ Lê Kim Danh…Cụ Lê Văn Gồng, sáng lập viên của công ty, là một người giỏi giao tiếp, nói lưu loát tiếp Anh và tiếng Pháp, được cử làm đại diện công ty.
Điều lệ công ty: Số vốn ban đầu là 250.000 đồng từ 10.000 cổ phần, mỗi cổ phần 25 đồng. Ngày 1/3/1927, công ty chính thức mời gọi công chúng mua cổ phần qua tài khoản ngân hàng Đông Dương với khẩu hiệu "hãy coi đây là công trình thuộc tất cả mọi người Việt".Ngày 24/8/1927, ở đại hội lần thứ 2, công ty chính thức hoạt động với trụ sở ở số 54 Pellerin (nay là Pasteur). Lần này qua sự vận động của ông Lê Văn Gồng, ông Trần Trinh Trạch, tức “Hội đồng Trạch”, một địa chủ giàu có ở Bạc Liêu, đã tham gia góp vốn và vào hội đồng quản trị. Đây là sự tham gia có ý nghĩa vì qua đó công ty có triển vọng hoạt động bền vững, lâu dài nhằm đạt được sự tin tưởng của khách hàng. Lúc này, Hội đồng quản trị công ty gồm có các ông: Trần Trinh Trạch - Chủ tịch, Nguyễn Văn Tấn – phó chủ tịch, Nguyễn Văn Của, đại diện quản lý. Ban quản lý gồm các ông: Lê Văn Gồng - Giám đốc, Trương Tấn Vị (điền chủ Châu Đốc), Nguyễn Tấn Văn (nghị viên hội đồng thành phố và nghiệp chủ ở Sài Gòn)…Theo báo cáo hoạt động của công ty, tính đến tháng 6/1928, sau 10 tháng đầu tiên hoạt động, công ty đã lời 18.192 đồng. Tiền ký gửi của khách hàng được lãi 4% và tiền gửi tiết kiệm mỗi năm là 5%. Đến đầu năm 1931 thành phần lãnh đạo công ty gồm có, chủ tịch hàm (danh dự) ông Huỳnh Đức Khiêm (chủ đất Gò Công), phó chủ tịch hàm (danh dự) ông Trần Trinh Trạch, chủ tịch hội đồng ông Trương Tấn Vị, giám đốc điều hành Lê Văn Gồng…Công ty tín dụng An Nam hoạt động rất tốt. Slogan của công ty là: "Làm vẻ vang cho xứ sở mình". Đầu năm 1939, công ty mua lại tòa nhà ở góc đường Charner và Ohier (cạnh Tòa hòa giải) của công ty Pháp Sociéte Marseillaise d’Outre-Mer. Số tiền bỏ ra là 120.000 đồng, trong đó 78.000 đồng là mua nhà và đất, 41.500 đồng là dùng tu bổ và trang bị lại tòa nhà. Công ty sau đó dời trụ sở từ đường Pellerin đến trụ sở 117 đường Charner. Tòa nhà mới này là trụ sở của Công ty An Nam bảo hiểm xe hơi.
Sau 12 năm hoạt động, dưới sự điều hành của ông Lê Văn Gồng, từ lúc thành lập năm 1927 với số vốn 250.000 đồng, công ty đã tăng trưởng hơn 5 lần và có hơn 1 triều đồng trong tài khoản khách hàng. Từ năm 1942-1943, công ty không còn 2 trụ cột là ông Trần Trinh Trạch (mất năm 1942) và ông Lê Văn Gồng. Lúc này Nhật Bản đã vào Đông Dương. Hoạt động tín dụng của công ty cũng không thuận lợi như trước. Chưa có tư liệu cho biết công ty hoạt động ra sao sau thời gian năm 1943.
Nguồn: fujihatsu.com - Cân điện tử Fujihatsu
(theo new.zing.vn, cenelec.eu và WIkipedia international news)
Bài viết liên quan:
1/ Tiêu chuẩn châu Âu (EN) là gì? 3 tổ chức tiêu chuẩn châu Âu - Cân điện tử Fujihatsu
http://fujihatsu.com/tieu-chuan-chau-au-en-la-gi-3-to-chuc-tieu-chuan-chau-au-can-dien-tu-fujihatsu-1-2-189668.html
2/ Tiêu chuẩn là gì? tiêu chuẩn hàng ngày là gì? - Cân điện tử Fujihatsu
http://fujihatsu.com/tieu-chuan-la-gi-tieu-chuan-hang-ngay-la-gi-can-dien-tu-fujihatsu-1-2-189664.html
Chia Sẻ :